BÀ RỊA – VŨNG TÀU HẤP DẪN VỐN ĐẦU TƯ
Tỉnh hiện xếp thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, kể từ đầu năm đến nay.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cấp mới 46 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi tương đương 974,7 triệu USD, với tổng diện tích đất sử dụng là 289,42ha. Trong đó, 13 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 207,76 triệu USD, diện tích đất sử dụng là 49,35ha; đầu tư trong nước là 33 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 17.645 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 240,07ha.
Ngoài ra, cũng có 25 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 267,81 triệu USD. Tổng vốn thu hút lũy kế 11 tháng năm 2021 là 1,243 tỷ USD đạt 197,22% kế hoạch và đạt 148,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng dự án thu hút mới là 46/30 dự án đạt 153,33% kế hoạch.
Những dự án đầu tư vào tỉnh đều có quy mô lớn. Đơn cử, khu vực doanh nghiệp nhà nước, vốn đăng ký bình quân đạt 250 tỷ đồng một doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước vốn đăng ký bình quân khoảng 9,5 tỷ đồng một doanh nghiệp và khu vực doanh nghiệp FDI vốn đăng ký bình quân khoảng 103 triệu USD một doanh nghiệp (khoảng 2.112 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đây là con số khá ấn tượng của thu hút đầu tư vào tỉnh năm 2021. Đó là kết quả của sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp. Nhưng không vì vậy mà Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút đầu tư bằng mọi giá. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động.
Thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng hiện đại, phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đến việc nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tính đến nay, tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, công nghệ cao đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động. Trong đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất xây dựng mới đều đã áp dụng công nghệ tiên tiến, trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.
Điển hình như Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG) mới đi vào hoạt động cuối năm 2020. Ông Đỗ Việt Phương, Giám đốc PFG cho biết, đến nay dây chuyền sản xuất của nhà máy đạt mức công suất yêu cầu, chất lượng sản phẩm và tỷ lệ thành phẩm đạt 85-92%, mức tiêu hao năng lượng thấp hơn khoảng 3% so với yêu cầu thiết kế.